Nguyên tắc cung – cầu
Cầu là số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà tiêu dùng mong muốn và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi (ceteris paribus).
Lượng cầu: Là số lượng hàng hóa / dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua và có khả năng mua tại mỗi mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.
Nhu cầu: Là những nguyện vọng, mong ước vô hạn về hàng hóa / dịch vụ của con người. Sự khan hiếm làm cho hầu hết các nhu cầu không được thỏa mãn.
Cầu cá nhân: Là số lượng hàng hóa / dịch vụ mà một cá nhân mong muốn mua và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.
Cầu thị trường: Là tổng cầu cá nhân ở các mức giá. Khi cộng lượng cầu cá nhân ở mỗi mức giá, chúng ta có lượng cầu thị trường tại mỗi mức giá.
Các nhân tố ảnh hưởng tới cầu
1. Giá hàng hoá dịch vụ
Giá hàng hoá dịch vụ ảnh hưởng đến lượng cầu theo nguyên tắc cầu. Khi giá hàng hoá dịch vụ tăng lên, lượng cầu đối với hàng hoá dịch vụ giảm xuống và ngược lại.
2. Giá của hàng hoá liên quan
Có hai nhóm hàng hoá liên quan ảnh hưởng tới lượng cầu về hàng hoá đang được nghiên cứu là hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung.
a) Hàng hoá thay thế: X và Y là hàng hoá thay thế khi việc sử dụng X có thể thay thế cho việc sử dụng Y nhưng vẫn giữ nguyên được mục đích sử dụng ban đầu.
VD: Bột giặt TIDE và OMO, dầu gội CLEAR và SUNSILK.
b) Hàng hoá bổ sung: X, Y là hàng hoá bổ sung khi việc sử dụng X phải đi kèm với việc sử dụng Y để đảm bảo giá trị sử dụng của hai hàng hoá.
VD: Bếp gas và bình gas là hai hàng hóa bổ sung.
3. Thu nhập của người tiêu dùng
– Dựa vào ảnh hưởng của thu nhập tới nguyên tắc cung – cầu về hàng hoá, Engel chia hàng hoá thành 2 loại:
- Những hàng hoá mà khi thu nhập tăng, lượng cầu về hàng hoá tăng lên; khi thu nhập giảm, lượng cầu về hàng hoá giảm xuống được gọi là hàng hoá thông thường.
- Những hàng hoá khi thu nhập tăng, lượng cầu về hàng hoá giảm xuống; khi thu nhập giảm xuống, lượng cầu về hàng hoá tăng lên được gọi là hàng hoá thứ cấp.
– Theo quy luật Engel: với mỗi mức thu nhập khác nhau, người tiêu dùng sẽ có quan niệm khác nhau về cùng một loại hàng hoá.
4. Thị hiếu
– Thị hiếu là sở thích hay sự quan tâm của một nhóm người về loại hàng hoá dịch vụ nào đó mà có ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng;
– Thị hiếu xác định chủng loại hàng hoá mà người tiêu dùng muốn mua;
– Thị hiếu phụ thuộc vào các nhân tố:
- Tập quán tiêu dùng.
- Tâm lý lứa tuổi.
- Giới tính.
- Tôn giáo.
- Thị hiếu có thể thay đổi theo thời gian và chịu ảnh hưởng lớn của quảng cáo.
Xác định đúng thị hiếu người tiêu dùng, nhà sản xuất sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ, kích thích người tiêu dùng cầu nhiều hơn về sản phẩm mà hãng sản xuất ra.
Khi nhà sản xuất cung cấp tung ra sản phẩm đúng lúc thị hiếu về sản phẩm xuất hiện, tức là nhà cung cấp đáp ứng kịp thời thị hiếu của người tiêu dùng, thì lượng cầu về sản phẩm sẽ tăng cao.
5. Kỳ vọng của người tiêu dùng
- Kỳ vọng là những dự đoán của người tiêu dùng về diễn biến của thị trường trong tương lai có ảnh hưởng đến cầu hiện tại.
- Các loại kỳ vọng: kỳ vọng về giá hàng hoá, về thu nhập, về giá cả hàng hoá liên quan, về số lượng người mua hàng….
- Nếu các kỳ vọng thuận lợi đối với người tiêu dùng thì lượng cầu hiện tại sẽ giảm, đường cầu dịch chuyển sang trái và ngược lại.
6. Số lượng người tiêu dùng
Số lượng người mua cho thấy quy mô của thị trường. Thị trường càng nhiều người tiêu dùng thì cầu đối với hàng hoá, dịch vụ càng lớn. Thị trường càng ít người tiêu dùng thì cầu về hàng hoá, dịch vụ càng nhỏ.
Quan hệ giữa lượng cầu và thu nhập của người tiêu dùng
- Nếu mặt hàng mà người mua có nhu cầu là hàng hóa thông thường hoặc hàng hóa xa xỉ hay hàng hóa cao cấp, thì khi thu nhập của anh ta tăng, lượng cầu mặt hàng này cũng tăng.
- Nếu là Hàng hóa thứ cấp, thì khi thu nhập của người mua tăng, lượng cầu mặt hàng lại giảm vì anh ta khá giả hơn nên sở thích thay đổi.
- Mức độ nhạy cảm của thay đổi về lượng cầu của một mặt hàng khi thu nhập của người mua thay đổi gọi là độ co dãn của nhu cầu theo thu nhập.
Quan hệ giữa lượng cầu hàng hóa này với giá cả hàng hóa khác
- Lượng cầu một mặt hàng không chỉ chịu tác động từ giá cả của chính nó, mà còn từ giá cả của các mặt hàng khác. Giả định các yếu tố khác không thay đổi.
- Lượng cầu một mặt hàng sẽ giảm, khi giá cả của những mặt hàng thay thế cho nó hạ xuống.
- Lượng cầu một mặt hàng sẽ giảm, khi giá cả của những mặt hàng bổ sung cho nó tăng lên.
- Mức độ nhạy cảm trong thay đổi lượng cầu của một mặt hàng khi giá cả các mặt hàng khác thay đổi, gọi là độ co dãn chéo của nhu cầu theo giá cả.
Quan hệ giữa lượng cầu với sở thích của người tiêu dùng
Trong nguyên tắc cung – cầu. Giả định các yếu tố khác không thay đổi, khi người tiêu dùng thay đổi sở thích của mình đối với mặt hàng nào đó, thì lượng cầu của hàng hóa đó sẽ thay đổi theo.
Ví dụ, nếu người tiêu dùng trở nên không thích đồ uống có ga, và giả định các yếu tố khác trong đó có giá cả mặt hàng này không đổi, thì lượng cầu về đồ uống có ga sẽ giảm đi.
Điều chỉnh giá cả
Trái với Marshall, Leon Walras cho rằng thị trường đạt trạng thái cân bằng không phải bởi sự điều chỉnh lượng cung cấp, mà bởi sự điều chỉnh giá cả. Khi một mức giá được nêu ra cao hơn mức giá cân bằng cần có khiến cho lượng cung sẵn sàng nhiều hơn lượng cầu sẵn sàng, thì giá cả sẽ giảm xuống mức cân bằng để thị trường không còn dư cung.
Còn khi mức giá nêu ra thấp hơn mức giá cân bằng, thì lượng cầu sẵn sàng cao hơn lượng cung sẵn sàng (thị trường dư cầu), thì giá cả sẽ tăng lên.
Như Hoan – Tổng hợp
(Tham khảo thêm: Voer, Vinacomin, Giaodichtaichinh)