Hãy nhìn xung quanh. Bạn sẽ thấy một số người rất được kính trọng, tin tưởng, trung thành và ngưỡng mộ trong khi những người khác không có được. Hãy quan sát kỹ hơn nữa, và bạn sẽ thấy rằng những ai được tôn trọng nhất là những người thành công nhất.
Để trở thành người quan trọng, hãy tôn trọng bản thân mình trước tiên
Vậy phải giải thích điều này như thế nào? Câu trả lời được đúc kết trong một từ: suy nghĩ. Chính suy nghĩ đã tạo ra điều đó. Những người khác sẽ nhìn bạn theo cách bạn nhìn nhận chính mình. Chúng ta sẽ được người khác đối xử với mình đúng như những gì ta sẽ được đối xử.
Chính suy nghĩ tạo ra như vậy. Một anh chàng tự cho rằng mình thấp kém hơn người khác, mặc dù khả năng thực của anh ta có thế nào đi nữa thì anh ta thực sự là một người thấp kém. Đó là vì tư duy chi phối hành động. Nếu anh ta cảm thấy mình thấp kém, anh ta sẽ hành động tự kỷ ám thị theo cách đó, và chẳng có một vỏ bọc bên ngoài nào có thể che đậy lâu dài được cảm giác ấy.
Mặt khác, một người thực sự nghĩ rằng anh ta có đủ khả năng đảm nhận một công việc thì anh ta chính là người có khả năng đó.
Để trở thành người quan trọng, chúng ta phải nghĩ rằng mình quan trọng bởi vì mình có nghĩ được vậy thì người khác mới nghĩ vậy. Tôi muốn nhắc lại logic này lần nữa.
Suy nghĩ của bạn quyết định hành động của bạn và đến lượt mình hành động của bạn lại quyết định phản ứng của người khác đối với bạn.
Cũng như những giai đoạn khác trong chương trình đi đến thành công của bạn, đạt được sự tôn trọng cũng là đơn giản. Để có được sự tôn trọng của người khác, trước tiên bạn phải nghĩ rằng bạn đáng được tôn trọng. Và bạn càng tự tôn trọng mình bao nhiêu thì người khác sẽ tôn trọng bạn bấy nhiêu. Liệu bạn có tôn trọng một anh chàng vô gia cư không? Tất nhiên là không. Tại sao vậy? Vì anh chàng vô gia cư tội nghiệp này không tôn trọng mình. Anh ta đã làm hỏng bản thân mình do thiếu sự tôn trọng bản thân.
Sự tôn trọng bản thân thể hiện trong tất cả mọi việc ta làm. Bây giờ chúng ta hãy tập trung xem xét một số cách cụ thể giúp ta thêm tôn trọng bản thân và qua đó giúp ta có được sự tôn trọng lớn hơn của người khác.
Hãy nhớ rằng ngoại hình của bạn cũng “biết nói” đấy!
Đừng bao giờ ra khỏi nhà khi chưa thấy mình đúng như người mà mình mong muốn.
Một trong những lời quảng cáo đúng đắn nhất từng được in ra là khẩu hiệu của Viện nghiên cứu đồ may mặc nam giới ở Mỹ: “Hãy ăn mặc cho đúng cách. Đừng nói rằng túi tiền của bạn không cho phép”. Khẩu hiệu này đáng được trưng lên ở mọi cơ quan, phòng nghỉ, buồng ngủ, văn phòng và lớp học ở Mỹ. Trong một chương trình quảng cáo một cảnh sát đã phát biểu:
– Bạn có thể phát hiện ra một đứa trẻ hư chỉ qua bề ngoài của nó. Rõ ràng điều đó có vẻ không công bằng, nhưng đó là sự thật.
Ngày nay người ta đánh giá lớp trẻ qua hình thức của họ. Và một khi người ta đã có định kiến về một cậu bé, thật khó mà thay đổi được những suy nghĩ về cậu ta và những thái độ ứng xử đối với cậu ta. Hãy xem xét con trai của bạn. Hãy xem xét cậu ta qua con mắt của thầy giáo và của những người hàng xóm. Liệu vẻ bề ngoài và cách ăn mặc của cậu có thể dẫn đến một ấn tượng sai lầm về cậu không? Bạn có thể chắc chắn rằng cậu bé có một vẻ ngoài phù hợp và ăn mặc đúng cách khi cậu ta đến bất cứ một nơi nào không?
Tất nhiên chương trình quảng cáo đó chủ yếu là nhằm vào trẻ em. Nhưng nó cũng có thể áp dụng được cho người lớn. Trong câu: “Hãy xem xét cậu ta qua con mắt…” bạn chỉ cần thay từ “bản thân bạn” vào chỗ “cậu ta” thay “của bạn” vào chỗ “của cậu”, “cấp trên” vào chỗ “thầy giáo” và “đồng nghiệp” vào chỗ “hàng xóm” và đọc lại cả câu: “Hãy xem xét bản thân bạn qua con mắt cấp trên của bạn và những đồng nghiệp của bạn”.
Để ăn mặc gọn gàng cũng không tốn bao nhiêu. Hãy xem xét khẩu hiệu trên một cách chính xác; nếu bạn ăn mặc cho đúng cách thì bạn sẽ luôn luôn được đền đáp. Nên nhớ rằng: Hình thức bên ngoài rất quan trọng vì nó giúp bạn nghĩ rằng mình quan trọng.
Hãy sử dụng quần áo như một công cụ để củng cố tinh thần của bạn, để xây dựng lòng tự tin. Đừng để xảy ra một sai sót nào. Hình thức bên ngoài của bạn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý bên trong. Việc bạn trông bên ngoài thế nào sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn bên trong. Một giáo sư tâm lý cũ của tôi thường đưa ra lời khuyên dưới đây cho sinh viên của ông vào những phút chuẩn bị cuối cùng của kỳ thi cuối kỳ: “Hãy ăn mặc nghiêm chỉnh cho kỳ thi quan trọng này. Hãy đeo một chiếc caravat mới, là phẳng phiu quần áo, đánh xi lại đôi giày. Hãy tạo cho mình một vẻ ngoài chững chạc vì điều đó sẽ giúp các em suy nghĩ một cách chững chạc”.
Người giáo sư này nắm vững tâm lý của mình và ông không nhầm chút nào. Hình thức bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý bên trong của bạn. Việc bạn trông bề ngoài thế nào sẽ ảnh hưởng đến những gì bạn suy nghĩ và cảm thấy bên trong.
Người ta kể cho tôi rằng tất cả các cậu bé đều trải qua “giai đoạn mũ”. Có nghĩa là các cậu dùng mũ để giúp mình trở thành một người hay một nhân vật mà các cậu muốn. Tôi nhớ mãi “sự kiện mũ” xảy ra với cậu con trai Davey của tôi. Một hôm nó cứ nằng nặc muốn trở thành Lone Ranger nhưng nó lại không có chiếc mũ của Lone Ranger. Tôi cố gắng thuyết phục con tôi dùng một chiếc mũ khác để thay thế. Và nó phản đối: – Nhưng bố ơi, con không thể suy nghĩ giống Lone Ranger nếu không có mũ của Lone Ranger được.
Cuối cùng tôi phải chịu thua và mua cho nó chiếc mũ. Chắc chắn rằng, đội chiếc mũ ấy trên đầu con trai tôi đã thấy mình trở thành Lone Ranger.
Tôi thường hay nhắc lại sự kiện này vì nó nói lên rất nhiều về ngoại hình tác động đến suy nghĩ như thế nào. Bất kỳ ai từng phục vụ trong quân đội đều hiểu rằng một người lính chỉ cảm nhận và suy nghĩ như một người lính khi anh ta mặc bộ quân phục. Một phụ nữ cảm thấy muốn đi dự dạ tiệc hơn khi chị ta ăn mặc để chuẩn bị đến dạ tiệc. Cũng tương tự như vậy, một chuyên viên sẽ cảm thấy mình đàng hoàng hơn khi anh ta ăn mặc phù hợp. Một doanh nhân diễn tả điều đó với tôi như thế này: “Nếu chuẩn bị tiến hành một cuộc làm ăn lớn tôi phải tỏ ra mình là một người ăn nên làm ra. Và tôi không thể cảm thấy như vậy trừ khi tôi biết rằng vẻ bề ngoài của tôi toát lên điều đó”.
Ngoại hình của bạn không chỉ “nói” với bản thân bạn mà nó còn “nói” với cả người khác nữa. Ngoại hình góp phần quyết định những gì mà người khác nghĩ về bạn. Về mặt lý thuyết, thật dễ chịu khi người ta nói rằng: Đánh giá con người ở tri thức, chứ không phải ở quần áo của anh ta. Nhưng bạn đừng nhầm lẫn. Người ta vẫn đánh giá bạn dựa vào ngoại hình của bạn đấy. Ngoại hình của bạn là cơ sở đầu tiên để người khác đánh giá bạn. Và ấn tượng đầu tiên thường kéo dài hơn tất cả thời gian bạn chuẩn bị để gây được ấn tượng đó.
Hãy mua quần áo với giá đắt gấp đôi và với số lượng một nửa. Hãy ghi điều này vào bộ nhớ của bạn. Và hãy thực hiện, áp dụng điều đó với mũ, quần, áo, giày, tất, áo khoác… tất cả những thứ bạn mặc. Riêng về vấn đề ngoại hình thì chất lượng quan trọng hơn số lượng nhiều. Khi bạn thực hiện được nguyên tắc này thì bạn sẽ thấy sự tôn trọng bản thân cũng như sự tôn trọng mà người khác dành cho bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Và bạn sẽ thấy là bạn đã tiêu tiền rất khôn ngoan bằng việc mua quần áo đắt gấp đôi với số lượng một nửa vì những lý do:
1. Đồ may mặc của bạn sẽ bền gấp đôi vì chúng tốt gấp đôi và tất nhiên, chúng thể hiện được “chất lượng” tốt chừng nào bạn còn dùng được.
2. Những đồ bạn mua sẽ hợp mốt lâu hơn. Quần áo tốt hơn luôn hợp mốt lâu hơn.
3. Bạn sẽ có những lời khuyên tốt hơn. Những thương nhân bán bộ quần áo trị giá 200 đôla thường nhiệt tình hơn trong việc giúp bạn tìm loại trang phục “dành riêng cho bạn” hơn một thương nhân bán bộ quần áo trị giá chỉ có 100 đôla.
Nên nhớ rằng: Ngoại hình của bạn “nói” với bạn và cũng “nói” với người khác nhiều điều. Phải đảm bảo rằng ngoại hình nói lên: “Đây là một con người tự trọng. Anh ta là người quan trọng. Phải đối xử với anh ta với một thái độ tôn trọng”. Tạo cho mình một vẻ ngoài tốt nhất là nghĩa vụ của bạn với người khác nhưng điều quan trọng hơn đó là nghĩa vụ đối với chính bản thân bạn.
Hãy tự hào về nghề nghiệp của bạn
Có một câu chuyện rất quan trọng thuộc về thái độ đối với công việc của ba người thợ nề. Đây là một câu chuyện có tính chất cổ điển vì thế chúng ta hãy cùng ôn lại.
Khi có người hỏi: – Các anh đang làm gì vậy?
Người thợ nề thứ nhất trả lời: – Tôi đang xây.
Người thứ hai nói: – Tôi đang kiếm 9,3 đôla một giờ.
Còn người thứ ba đáp: – Tôi ư? Tôi đang xây dựng nhà thờ lớn nhất thế giới.
Câu chuyện này không cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra với những người thợ nề này trong những năm sau, nhưng bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra? Có khả năng là hai người thợ nề đầu sẽ vẫn chỉ là thợ nề mà thôi, bởi vì họ thiếu một tầm nhìn, họ thiếu sự tôn trọng nghề nghiệp, chẳng có gì ở phía sau có thể thúc đẩy họ tiến lên phía trước để đạt được những thành công lớn hơn.
Nhưng tôi có thể đánh cuộc 100% với bạn rằng người thợ nề coi công việc của mình là xây dựng nhà thờ lớn sẽ không chỉ dừng lại ở vị trí là một anh thợ nề. Có thể anh ta sẽ trở thành một quản đốc, có thể là một nhà thầu khoán hoặc có khi là một kiến trúc sư. Anh ta sẽ tiến xa và cao hơn. Tại sao vậy? Vì chính suy nghĩ của anh đã tạo nên điều đó. Người thợ nề thứ ba đã có được một cách suy nghĩ mà cách này chỉ ra con đường tiến thân trong công việc của anh ta.
Suy nghĩ về nghề nghiệp của một người nói lên rất nhiều về người đó và khả năng đảm nhận những trọng trách lớn hơn.
Cũng giống như ngoại hình, cách suy nghĩ về công việc sẽ nói lên nhiều điều về bạn cho cấp trên, đồng nghiệp, các cộng sự và thật ra, với tất cả những người mà bạn có liên hệ công tác.
Vài tháng trước đây, tôi có ngồi nói chuyện với một người bạn làm giám đốc nhân sự cho một hãng sản xuất dụng cụ. Chúng tôi nói về “Xây dựng con người”. Anh ấy giải thích cho tôi về “Hệ thống kiểm tra nhân sự” và những điều anh rút ra được từ hệ thống ấy.
– Chúng tôi có khoảng 800 nhân viên phi sản xuất – Anh cho biết: Theo hệ thống kiểm tra nhân sự của chúng tôi thì cứ sáu tháng một lần tôi và người trợ lý của tôi tiến hành phỏng vấn từng nhân viên một. Mục đích của chúng tôi thật đơn giản. Chúng tôi muốn biết làm thế nào chúng tôi có thể giúp anh ta trong công việc được. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một việc tốt vì mỗi nhân viên làm việc cho chúng tôi đều là người quan trọng, vì nếu không thì anh ta đã không được trả lương.
Chúng tôi tránh không hỏi các nhân viên những câu hỏi chủ yếu. Trái lại chúng tôi khuyến khích anh ta nói về bất cứ điều gì anh ta muốn. Chúng tôi muốn biết được những suy nghĩ trung thực của anh ta. Sau mỗi cuộc phỏng vấn, chúng tôi điền vào một bảng phân loại thái độ của mỗi nhân viên đối với từng phương diện cụ thể của công việc.
Và đây là những gì tôi rút ra được. Các nhân viên được xếp vào hai nhóm, nhóm A và nhóm B dựa trên cơ sở suy nghĩ của họ về nghề nghiệp.
Những người ở nhóm B chủ yếu nói về an toàn, về kế hoạch nghỉ hưu, chế độ nghỉ ốm, thời gian nghỉ phép, về những gì chúng tôi đang làm để cải thiện chương trình bảo hiểm, và liệu họ có được làm việc thêm ngoài giờ vào tháng Ba sang năm như tháng Ba năm ngoái không. Họ cũng nói về những khía cạnh không thể đồng tình trong công việc, những điều họ không hài lòng về đồng nghiệp. Những người thuộc nhóm B chiếm đến 80% số nhân viên phi sản xuất, những người này coi công việc của mình như những công việc chết tiệt mà họ bắt buộc phải làm.
Những người ở nhóm A thì lại nhìn công việc qua một lăng kính khác. Họ quan tâm đến tương lai và muốn chúng tôi cho những lời gợi ý làm thế nào để tiến bộ nhanh hơn nữa. Họ không chờ đợi chúng tôi mang lại cho họ điều gì khác ngoài cơ hội. Những người ở nhóm này suy nghĩ sâu xa hơn. Họ đề xuất ý kiến để thực hiện công việc tốt hơn. Họ coi những cuộc phỏng vấn của chúng tôi mang tính chất xây dựng.
Và đây là cách tôi kiểm tra thái độ của họ đối với công việc và ý nghĩa của thái độ này với sự thành đạt trong công việc. Tất cả những lời đề bạt lên một chức vụ cao hơn, đề xuất tăng lương hoặc những quyền lợi đặc biệt tôi đều được người giám sát các nhân viên này chuyển cho. Và gần như lúc nào cũng vậy, người được đề bạt bao giờ cũng là người ở nhóm A. Và cũng gần như không có ngoại lệ, những người gây vấn đề rắc rối bao giờ cũng thuộc nhóm B.
– Anh nói tiếp: Thử thách lớn nhất trong công việc của tôi là cố gắng giúp mọi người chuyển từ nhóm B sang nhóm A và điều này không phải là dễ dàng vì nếu một người tiếp tục không nghĩ rằng công việc của mình là quan trọng và suy nghĩ một cách tích cực về công việc ấy thì không thể giúp gì cho anh ta.
Đây là một bằng chứng rõ ràng chứng tỏ rằng bạn sẽ trở thành người mà bạn mong muốn. Nếu bạn suy nghĩ rằng mình yếu ớt, mình thiếu ý chí, mình sẽ thất bại, mình chỉ là những công nhân hạng hai, nếu nghĩ như vậy bạn sẽ chỉ là một người tầm thường.
Ngược lại, hãy nghĩ rằng: – Tôi là người quan trọng, tôi có đủ những phẩm chất cần thiết. Tôi luôn đứng hàng đầu. Công việc của tôi thật quan trọng. Hãy nghĩ như vậy và bạn sẽ mau tiến bộ.
Chìa khóa để đạt được những gì bạn muốn là hãy suy nghĩ một cách tích cực về bản thân. Cơ sở chính xác nhất để người khác đánh giá khả năng của bạn chính là hành động của bạn. Và hành động của bạn thì lại do suy nghĩ của bạn điều khiển.
Bạn suy nghĩ như thế nào thì bạn sẽ là người như vậy.
Hãy đặt mình vào địa vị của một người giám sát và tự hỏi mình xem ai trong số những người sau bạn muốn đề bạt tăng lương hay lên chức.
1. Một cô thư ký trong khi sếp đi vắng đã tranh thủ đọc tạp chí còn cô thư ký khác dành thời gian đó để làm những việc nhỏ giúp sếp nhanh chóng hoàn thành công việc khi quay về.
2. Một nhân viên có ý kiến:
– Ôi dào, tôi thì lúc nào mà chẳng tìm được việc khác. Nếu họ không thích cách làm việc của tôi thì tôi cũng bỏ quách. Còn một nhân viên khác luôn coi trọng những ý kiến phê bình của người khác và tìm mọi cách nâng cao chất lượng công việc.
3. Một người bán hàng nói với khách: Tôi chỉ làm những gì người ta bảo tôi làm. Họ bảo tôi ra đây xem anh có cần gì không? Còn người bán hàng khác thì nói: – Thưa ngài Brown, tôi ở đây là để giúp ngài.
4. Một người quản đốc thường nói với nhân viên: – Thực lòng mà nói, tôi chẳng thích thú công việc của mình. Mấy ông cấp trên luôn luôn quấy rầy tôi. Thường xuyên tôi không hiểu họ muốn nói gì nữa. Và một người giám sát khác nói: Các bạn phải chuẩn bị là sẽ có những điều bạn không hài lòng về công việc, nhưng sếp của chúng ta rất sáng suốt, các bạn hãy yên tâm.
Bây giờ thì đã rõ tại sao nhiều người suốt đời chỉ dậm chân tại chỗ. Phải chăng chính cách suy nghĩ của họ đã níu chân họ lại. Nghĩ thế nào bạn sẽ là người như vậy. Hãy suy nghĩ với lòng nhiệt tình và bạn sẽ trở thành người nhiệt tình. Để làm được những công việc có chất lượng cao, hãy nhiệt tình với nó. Những người khác sẽ nắm bắt được lòng nhiệt tình mà bạn dấy lên và bạn sẽ là người hoàn thành công việc xuất sắc nhất.
Hàng ngày hãy nói với mình những lời động viên
Tom Staley là một chàng trai trẻ, anh là một người tiến thân khá nhanh chóng. Tom thường xuyên tự đề cao bản thân với chính mình với cái mà anh gọi là “chương trình quảng cáo 60 giây của Tom Staley”. Sau đây là nội dung chính xác của “chương trình” này:
Tom Staley gặp Tom Staley một người quan trọng, rất quan trọng. Tom, anh là một người có những suy nghĩ lớn lao, vậy hãy nghĩ những điều lớn lao. Hãy suy nghĩ lớn hơn về tất cả mọi điều. Anh có rất nhiều khả năng để đảm nhận một công việc hàng đầu, vì thế hãy làm một công việc hàng đầu.
Tom, anh tin tưởng vào hạnh phúc, tiến bộ và phát đạt.
Vậy hãy chỉ nói đến hạnh phúc
Chỉ nói đến tiến bộ
Chỉ nói đến phát đạt
Anh rất có nghị lực, Tom rất có nghị lực.
Vậy anh hãy đem nghị lực ấy vào làm việc. Chẳng có gì có thể ngăn cản được anh, chẳng có gì cả.
Tom, anh là người nhiệt tình, hãy thể hiện lòng nhiệt tình ấy.
Anh trông rất bảnh bao, Tom, và anh cũng cảm thấy phấn khởi. Hãy tiếp tục như vậy.
Tom Staley, hôm qua anh là một chàng trai rất tốt và hôm nay anh sẽ còn trở nên một người tốt hơn nữa. Bây giờ hãy tiến tới điều đó, Tom. Hãy tiến lên phía trước.
Đó là phương pháp hãy tự động viên mình tiến lên phía trước. Tom công nhận là chương trình “quảng cáo” đó của mình đã giúp anh trở thành một người thành công hơn, năng động hơn. Tom nói: – Trước khi tôi bắt đầu tự đề cao mình, tôi nghĩ rằng tôi kém hơn bất kỳ người nào và nói chung là tất cả mọi người. Giờ đây tôi nhận ra rằng tôi đã làm được những gì cần thiết để chiến thắng và tôi đang giành chiến thắng và từ nay trở đi tôi sẽ luôn luôn chiến thắng.
Trước tiên, hãy chọn ra những phẩm chất của mình, chọn những thế mạnh của bạn. Hãy tự hỏi: “Phẩm chất tốt nhất của mình là gì?”, đừng ngượng ngập gì cả.
Sau đó, hãy tự mình viết vào giấy những điều ghi nhớ ấy. Hãy tự viết chương trình động viên cho mình. Đọc lại chương trình của Tom Staley. Để ý xem anh ta nói với Tom như thế nào. Hãy tự nói với mình, nói thật tập trung vào. Đừng nghĩ đến bất kỳ ai khác khi bạn đang thực hiện chương trình tự vấn.
Bước thứ ba, hãy tập nói to lên những lời đó một mình ít nhất là một lần mỗi ngày. Nếu bạn nói trước gương thì lại càng có kết quả hơn. Hãy tập trung toàn tâm toàn ý của bạn vào việc này. Nhắc lại những lời động viên với một lòng quyết tâm. Hãy làm cho máu chảy nhanh lên trong cơ thể bạn, hãy tự hâm nóng người lên.
Bước thứ tư, hãy đọc thầm chương trình ấy vài lần một ngày, hãy đọc trước mỗi lần bạn phải làm công việc đòi hỏi lòng can đảm. Hãy làm cho chương trình của bạn có thể dễ dàng sử dụng vào bất kỳ lúc nào. Và hãy sử dụng nó.
Và chỉ thêm một điều nữa thôi. Rất nhiều người, mà có thể là đa số sẽ cười vào bí quyết mang lại thành công này. Đó là vì họ không chịu tin rằng thành công có được là nhờ khả năng điều khiển suy nghĩ. Nhưng bạn ơi! Đừng chấp nhận cách đánh giá này của những người tầm thường. Bạn không phải là người tầm thường. Nếu bạn còn một chút nghi ngờ gì về hiệu quả của nguyên tắc tự đề cao bản thân với mình, hãy hỏi một người thành đạt nhất mà bạn biết xem ông ta nghĩ gì về nguyên tắc này. Hãy hỏi ý kiến ông ta, rồi hãy tự đề cao bản thân với chính mình.
Trích sách “Bí quyết thành đạt trong đời người” – David J.schwartz